Một báo cáo mới đây của Accenture với tiêu đề “Công việc, lực lượng lao động, người lao động: Tái tạo trong thời đại AI tạo sinh” đã chỉ ra nhu cầu cấp bách cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong việc thay đổi cách tiếp cận với AI tạo sinh. Thay vì chỉ tập trung vào các nhiệm vụ và vai trò cụ thể, các doanh nghiệp cần mở rộng quy mô AI bằng cách tái thiết kế quy trình trên toàn tổ chức và cách nhân viên trải nghiệm công việc. Để đạt được điều này, các nhà lãnh đạo cần cam kết học hỏi và thay đổi theo hướng tạo ra giá trị kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và mang lại lợi ích cho nhân viên. Tuy nhiên, hai phần ba lãnh đạo doanh nghiệp thừa nhận họ đang thiếu công nghệ và chuyên môn cần thiết để khai thác hết tiềm năng của AI thế hệ mới.
(Nguồn: Accenture)
Trước hết, báo cáo “Công việc, lực lượng lao động và người lao động: Tái tạo trong kỷ nguyên AI tạo sinh” nhấn mạnh quan điểm mâu thuẫn của các tổ chức về cách khai thác tiềm năng của AI tạo sinh, đồng thời cũng chỉ ra sự khác biệt đáng kể trong niềm tin của các bên đối với công nghệ mới này. Mặc dù 95% nhân viên nhận thức được sự hữu ích của AI tạo sinh trong quá trình làm việc, khoảng 60% lại lo lắng về việc AI có thể khiến họ mất việc làm, gia tăng áp lực và bị kiệt sức. Kết quả cũng cho thấy sự chênh lệch trong nhận thức giữa nhân viên và lãnh đạo doanh nghiệp về tác động của AI tại nơi làm việc. Trong khi gần 60% nhân viên lo ngại AI có thể thay thế công việc của họ, chưa đến một phần ba lãnh đạo cấp cao thấy đây là vấn đề đáng lo. Thêm vào đó, ba phần tư tổ chức hiện chưa có chiến lược toàn diện để đảm bảo kết quả và trải nghiệm tích cực cho nhân viên khi ứng dụng công nghệ này vào quy trình làm việc.
(Nguồn: Accenture)
Vậy làm thế nào để giải quyết vấn đề của đội ngũ nhân viên khi tiếp cận với công nghệ AI nói riêng và các ứng dụng mới trong quy trình làm việc nói chung? Một môi trường làm việc nơi đội ngũ nhân viên được động viên và thúc đẩy, cũng như phát triển và đảm bảo về mọi khía cạnh để trở thành đội ngũ nhân sự “tốt đẹp toàn diện” – về cả sức khoẻ thể chất, tinh thần và tiềm lực tài chính – sẽ là chiến lược sáng suốt để xây dựng niềm tin và thúc đẩy quá trình chấp nhận AI tạo sinh. Khi nhân viên cảm thấy bản thân “tốt đẹp toàn diện” ở mức độ cao, họ sẽ tỏ ra thoải mái hơn khi tiếp cận công nghệ, đặc biệt trong cách ứng dụng nó vào công việc của mình.
Ellyn Shook, Giám đốc Nhân sự của Accenture, nhấn mạnh rằng “thành công đến từ những nhà lãnh đạo sẵn sàng học hỏi và dẫn dắt tổ chức của mình theo phương pháp mới, mở rộng AI thế hệ mới một cách có trách nhiệm để tạo ra giá trị và cải thiện chất lượng công việc cho nhân viên.” Bà chia sẻ: “Câu hỏi cốt lõi cần đặt ra là: nhân viên có trở nên ‘tốt hơn’ khi làm việc tại tổ chức này không? Điều này không chỉ khai phóng tiềm năng của nhân viên và thúc đẩy lợi nhuận, mà còn tạo điều kiện để họ thoải mái, tin tưởng và sẵn sàng làm việc cùng AI thế hệ mới. Là nhà lãnh đạo, chúng ta phải định hình những gì xảy ra tiếp theo, và các kết quả tốt nhất chính là do chúng ta tạo dựng.”
“Những người sáng tạo” dẫn đầu các thay đổi quan trọng
Hiện chỉ có 9% tổ chức thuộc nhóm “dẫn đầu” về sáng tạo và khai thác tiềm năng của AI tạo sinh để thúc đẩy lợi nhuận, đồng thời nâng cao kỹ năng và mức độ thoải mái của nhân viên với công nghệ. Trong số này, hơn một nửa đang tái thiết kế lực lượng lao động bằng cách điều chỉnh công việc và vai trò quanh AI thế hệ mới, và ba phần tư đang tích cực thu hút nhân viên vào quá trình thay đổi. Ngoài ra, gần một nửa (47%) đã xác định rằng các quy trình của họ cần thay đổi lớn để khai thác tối đa lợi ích của AI.
Paul Daugherty, Giám đốc Công nghệ và Đổi mới của Accenture, cho biết: “AI tạo sinh có tác động mạnh mẽ hơn bất kỳ công nghệ nào trước đây. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các tổ chức cần chiến lược AI toàn diện để tái tạo toàn bộ chuỗi giá trị, thay vì chỉ tập trung vào các vai trò và nhiệm vụ mà AI có thể cải thiện hoặc tự động hoá. Khi mở rộng việc ứng dụng AI, cần nhìn qua lăng kính toàn diện để hình dung lại cách thức công việc, cách dẫn dắt lực lượng lao động và làm cho trải nghiệm này trở nên tích cực hơn cho tất cả mọi người.”
Trong chiến lược tái tạo quy trình làm việc của mình, các tổ chức hàng đầu đang xây dựng lực lượng lao động linh hoạt thông qua đầu tư vào việc lập bản đồ kỹ năng và tích hợp dữ liệu, tạo ra các dự đoán nhằm đảm bảo sự phối hợp tối ưu giữa các kỹ năng để phát triển cả nhân lực và doanh nghiệp. Những tổ chức này dự kiến sẽ đầu tư nhiều gấp 2 lần vào phát triển kỹ năng mềm bên cạnh kỹ năng công nghệ, với khả năng tăng năng suất lao động lên đến 20% hoặc hơn trong ba năm tới. Accenture kì vọng rằng những chiến lược nhân sự lấy con người làm trung tâm có thể tạo ra tới 10,3 nghìn tỷ USD giá trị bổ sung cho kinh tế toàn cầu vào năm 2038.
(Nguồn: Accenture)
Cũng theo báo cáo, sự linh hoạt trong ứng dụng công nghệ mới phải xuất phát từ cấp lãnh đạo. Để mang lại thay đổi lớn trong tổ chức, lãnh đạo phải đảm bảo công việc – không chỉ về mặt nhiệm vụ mà cả cách thực hiện – đều hiệu quả và bao trùm. Khảo sát cho thấy 94% người lao động sẵn sàng học các kỹ năng AI mới, dù chỉ có 5% tổ chức cung cấp đào tạo ở quy mô lớn. Bởi AI học hỏi thông qua cả dữ liệu có sẵn lẫn sự tương tác với con người, do đó việc huấn luyện máy móc, phát triển năng lực và thúc đẩy văn hoá học tập của con người sẽ là những yếu tố then chốt để chiến lược tái tạo quy trình làm việc với AI đạt hiệu quả cao.
Trong tương lai, tính chất công việc sẽ tiếp tục biến đổi. Do đó, các phương pháp tiếp cận lấy con người làm trung tâm, chủ động lắng nghe nhân viên để thấu hiểu và giải quyết mối quan tâm, cũng như xây dựng lòng tin, sẽ giúp các tổ chức hàng đầu đạt được những thành tựu vượt bậc về hiệu suất và văn hóa.